Thân thế và sự nghiệp Phan_Văn_Hớn

Trước khi khởi nghĩa

Phan Văn Hớn, người làng Tân Thới Nhứt (nay là xã Bà Điểm) huyện Hóc Môn[2] tỉnh Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh).

Ông là một nông dân văn hay, võ giỏi, có nhiều mưu trí, có tấm lòng hào phóng, ngay thẳng, biết thương yêu đồng bào. Ông thường đứng ra chống lại bọn cường hào và những người thân Pháp nên bị họ căm ghét.[3]

Năm 1879, đốc phủ Trần Tử Ca[4] tri huyện Bình Long (nay là huyện Hóc Môn) là một cộng sự đắc lực của thực dân Pháp, vu khống Phan Văn Hớn mưu loạn khiến ông bị đày ra Côn Đảo 5 năm.

Mãn hạn tù, ông về lại quê nhà, tổ chức hai trường đá gà: một điểm ở ngã tư An Sương, một điểm ở xã Bà Điểm để che mắt đối phương và tiện liên hệ với những người chung chí hướng.

Sau một thời gian bí mật tập hợp dân nghèo, rèn sắm vũ khí, tích trữ lương thực... nhân lời kêu gọi Cần Vương[5] của vua Hàm Nghi, Phan Văn Hớn quyết định khởi nghĩa và thành lập Ban chỉ huy gồm có: Phan Công Hớn (tổng lãnh binh), Nguyễn Văn Quá (chánh lãnh binh), Phạm Văn Hồ (phó lãnh binh), Phan Văn Võ (tức Cai Võ, lo việc nội ứng bên trong dinh huyện Bình Long).

Khởi nghĩa

Vào 25 tháng chạp năm Giáp Thân (ngày 8 rạng ngày 9 tháng 2 năm 1885)[6] Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quá (người Đức Hòa, Long An) cùng hơn ngàn nghĩa quân chia làm ba mũi, tấn công vào dinh huyện Bình Long.

Đốc phủ Trần Tử Ca rút lên lầu chống cự, nghĩa quân dùng rơm và dây đậu phộng khô có sẵn trong dinh, đem chất xung quanh nơi Ca ẩn náu rồi châm lửa đốt. Vợ Trần Tử Ca chết cháy. Tử Ca chạy thoát ra ngoài thì bị một nông dân bắt được giao cho quân khởi nghĩa. Đốc phủ Ca bị xử chém, đầu bêu lên cột đèn trước chợ Hóc Môn. Tết năm ấy, ở Hóc Môn có câu:

Mừng xuân có pháo, có nêuCó đầu đốc phủ đem bêu cột cờ.

Sau đó nghĩa quân kéo xuống tấn công Sài Gòn. Tới Quán Tre (nay thuộc phường Đông Hưng Thuận, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh), đoàn quân chia ra làm hai, một đạo quân tiến thẳng vào Sài Gòn, một đạo quân trú ngoài nội thành chờ hiệu lệnh tiếp ứng.

Thất bại

Tờ mờ sáng, đạo quân đầu tiên tới Bình Hòa (nay thuộc quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) thì bị một đội quân Pháp chặn đánh. Thua trận, nhiều nghĩa sĩ bị bắt. Nghe tin dữ, đạo quân thứ hai tự giải tán.[7]

Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quá chạy thoát, để uy hiếp hai ông ra hàng, Pháp bắt nhiều người thân của hai ông và nhiều dân thường để khảo tra. Vì thương người, hai ông tự nạp mình.

Hai con trai của Trần Tử Ca là Trần Tử Long, Trần Tử Bản xin phép quan Pháp đến thôn Tân Thới Nhì, là nơi giam giữ ông Hớn, ông Hóa, cật vấn và tra khảo hai ông này rất tàn khốc. Cuối cùng, tất cả người bị Pháp bắt, được đem ra xét xử suốt từ ngày 31 tháng 8 đến ngày 3 tháng 9 năm 1885, rồi tuyên 14 án tử hình trong đó có Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quá.

Rạng sáng ngày 30 tháng 3 năm 1886 (tức ngày 25 tháng 2 âm lịch), hai ông bị hành hình và bị bêu đầu tại chợ Hóc Môn.